Những địa điểm du lịch tại Hội An
(BEGODI) – Không chỉ nổi tiếng về các lễ hội và ẩm thực, Hội An cũng có một số điểm đến rất thú vị dành cho du khách. Hôm nay Begodi sẽ tiếp tục chia sẻ với bạn về những địa điểm này nhé !
Là một khu phố cổ đã có bề dày lịch sử từ lâu, Hội An có rất nhiều các công trình kiến trúc cổ kính mà ai cũng đến đây cũng phải đặt chân đến một lần để thưởng lãm những công trình đó.
Chùa Ông
Chùa Ông do người Việt và người Minh Hương xây dựng vào giữa thế kỷ 17, nằm ở trên số 24 đường Trần Phú. Chùa Ông còn có tên là Quan Công miếu, là nơi thờ Quan Vân Trường, một vị tướng Thục tài ba, đức độ và trung thành.
Ngôi chùa gồm một tiền điền, hai tả hữu vu và một chính diện rộng. Chính diện là tượng của tướng quân Quan Công đang cưỡi xích thố, cầm thanh long đao với một vẻ mặt uy nghiêm cùng với hai pho tượng nữa là con trai Quan Bình và người nô tỳ dũng cảm Thanh Châu.

Hiện nay, miếu còn lưu lại bài vịnh của Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, cha của đại thi hào Nguyễn Du và hai bài họa của Uông Sĩ Cư và Nguyễn Lệnh Tân. Đây là những di tích lịch sử từ thế kỷ 18, lúc mà đất nước ta còn chia cắt Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Giếng Bá Lễ
Giếng Bá lễ đã có từ thời người Chăm xưa vào khoảng thế kỷ thứ 8 và 9. Giếng cổ sâu tầm 12m, được xây dựng bằng gạch và phía dưới là khung gỗ lim bản rộng.
Giếng là nguồn là cung cấp nước sinh hoạt cho người Chăm thời bấy giờ và nước giếng vẫn còn rất trong và sạch cho tới ngày nay. Bất cứ du khách nào khi đặt chân tới Hội An đều mong muốn được thưởng thức “món đặc sản” này một lần.

Không chỉ vậy, giếng nước ngày nay vẫn tiếp tục là nguồn cung cấp nước cho các hộ gia đình không kể sang trọng hay giàu nghèo.
Chùa Cầu
Chùa Cầu do người Nhật Bản xây dựng vào thế kỷ 17, cũng có tên gọi khác là cầu Nhật Bản. Tuy nhiên, vào năm 1653, chùa đã được đổi tên thành chùa Cầu. Chùa đã được xây dựng lại vào những năm 1817, 1865, 1915 và 1986.
Cầu nằm trên sông Thu Bồn, dài tầm 18m là ranh giới giữa hai đường Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai. Chùa đều được xây dựng bằng gỗ sơn son và chạm chổ rất độc đáo, mặt chùa quay về phía bờ sông. Mỗi bên đầu cầu là một tượng thú, một bên là tượng chó và một bên là tượng khỉ.

Chùa Cầu là một ngôi chùa rất đặc biệt vì nơi đây không có tượng Phật mà thay vào đó là tượng Bắc đế Trấn Võ, một vị thần biểu tượng cho niềm vui, hạnh phúc và mong muốn cho một cuộc sống tốt đẹp.
Hội quán Phúc Kiến
Hội quán Phúc Kiến được xây dựng vào năm 1697, nơi đây thờ bà Thiên Hậu, một vị thần bảo hộ về sông nước, tiền của, con cái. Hội quán có kiến trúc tinh xảo, được thiết kế theo chữ “Tam” của người Trung Quốc. Chính diện của hội quán thờ bà Thiên Hậu, Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, 3 bà chúa sanh thai và 12 bà mụ.

Hội quán đã được tu sửa lại nhiều lần và đã trở nên rất trang hoàng và độc đáo. Hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy hàng năm, du khách tới đây sẽ được thưởng thức những lễ hội vô cùng đặc sắc.
Hội quán Triều Châu
Được xây dựng vào năm 1845 và nằm ở trên 157 đường Nguyễn Duy Hiệu hiện nay, Hội quán Triều Châu là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng người Hoa và cũng là nơi cầu cho mưa thuận gió hòa, công việc được thuận buồm xuôi gió. Giống như hội quán Phúc Kiến, các công trình kiến trúc của hội quán Triều Châu cũng được thiết kế một cách tinh xảo và độc đáo.

Chính diện hội quán gồm 3 gian gồm những cột gỗ to cùng với những nét chạm được điêu khắc với hình cá chép hóa rồng và gian thờ cũng được thiết kễ lộng lẫy. Mặt tiền hội quán và nhà tiền điện cũng được thiết kế chạm trổ hết sức phong phú và có một sự kết hợp giữa những công trình kiến trúc bằng gỗ và đá thời bấy giờ.
Hội quán Quảng Đông
Hội quán Quảng Đông do người Hoa ở Quảng Đông sinh sống tại Hội An xây dựng vào năm 1885. Hội quán nằm trên 176 Trần Phú, Hội An, đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của người Hoa tại Quảng Đông.
Nơi đây được xây dựng theo phong cách của người Trung Hoa, hội quán được xây dựng theo hình chữ “Quốc” bên trong sân là một bức tượng rồng được điêu khắc rất độc đáo và tinh xảo. Giống như ngôi nhà sinh hoạt văn hóa Phúc Kiến và Triều Châu, Quảng Đông cũng có những đồ gốm sứ, những bức bình phong hay những chạm chổ hình rồng được khắc lên cột gỗ.

Hàng năm ngày vía Quan Công (ngày 24 tháng 6 âm lịch) nơi đây diễn ra lễ hội đặc sắc thu hút rất nhiều du khách thập phương.
Nhà thờ tộc Trần
Nhà thờ tộc Trần do một vị quan họ Trần tên là Trần Tứ Nhạc xây dựng vào năm 1802 theo phong cách truyền thống của người Hoa, ông xây dựng với mục đích để con cháu mình đến đây cũng bái và nhớ tới cội nguồn của mình. Bộ triện và thanh kiếm của ông vẫn được con cháu giữ cho tới ngày nay.

Ngôi nhà rộng 1500m2 được chia thành hai phần, một khu để tiếp khách và một khu để thờ gia tiên. Ngôi nhà cũng được xây dựng theo phong thủy một cách nghiêm ngặt, thể hiện đậm chất Á Đông, cầu kỳ và đặc sắc.
Hàng năm, vào một ngày định kỳ, con cháu họ Trần sẽ gặp mặt nhau để cúng gia tiên của mình, đó cũng là một ngày đoàn tụ để con cháu gặp nhau, hiểu nhau, yêu thương nhau và cùng nhau xây dựng và phát triển gia tộc.
Bảo tàng lịch sử văn hóa
Bảo tàng được xây dựng vào năm 1989, nằm trên 10B, Trần Hưng Đạo, trưng bày trên 212 hiện vật bằng đồng, sắt, giấy, gỗ,… gắn liền với sự phát triển của Hội An từ thời nền văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ 2 sau Công nguyên) đến văn hóa Champa (thế kỷ 2 đến thế kỷ 15) và cuối cùng là văn hóa Đại Việt, Đại Nam (thế kỷ 15-19).

Nơi đây cũng phản ánh một cách sâu sắc cuộc sống thương cảng Hội An từ những thế kỷ trước là nơi tấp nập, nhộn nhịp và đông vui.
Nhà cổ Tấn Ký
Đây là ngôi nhà cổ nhiều tuổi nhất tại Hội An, đã được xây dựng 200 năm trước, nằm tại số 101 Nguyễn Thái Học. Nội thất và những đồ cổ của ngôi nhà này vẫn được chủ nhà lưu giữ, chăm sóc chu đáo cho tới ngày nay.
Ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ quý, gạch và đá, thể hiện một phong cách cổ xưa. Du khách khi đặt chân tới đây đều cảm nhận được một không gian nhẹ nhàng, thông thoáng mặt tiền và nơi giếng trời.

Ngoài ra, khi đến đây, du khách cũng có thể được chiêm ngưỡng chén Khổng Tử, một loại chén được thiết kế với một phong cách rất độc đáo.
Nhà cổ Quân Thắng
Nhà cổ Quân Thắng đã xây dựng được trên 150 năm, có địa chỉ tại 77 Trần Phú, mang phong cách kiến trúc Trung Hoa. Cho tới nay, ngôi nhà vẫn giữ nguyên được những nét cổ kính, phong cách bài trí và nội thất và kiểu dáng kiến trúc vẫn nguyên vẹn.
Ngôi nhà được thiết kế bởi nghệ nhân làng Kim Bồng, các hiện vật trong ngôi nhà cổ cũng góp phần làm cho du khách đặt chân tới đấy hiểu thêm về một khu thương cảng Hội An sầm uất thời bấy giờ.

Cũng như nhà cổ Tân Ký, nhà cổ Quân Thắng được thiết kế thông thoáng, đem lại một cảm giác thoải mái cho du khách khi tới thăm nhà.
Chợ Hội An
Chợ Hội An là một khu chợ đã có truyền thống từ lâu đời, nơi đây đã diễn ra các hoạt động mua bán rất sôi nổi từ những thế kỷ trước. Tại đây có các quầy hàng buôn bán các món ăn bình dần như bún, phở, mì, xôi,… và các chủ quầy ở đây đều rất thân thiện, mến khách và phục vụ khách hàng rất chu đáo và nhiệt tình.

Thật là uổng phí khi đến Hội An mà không được đặt chân tới nơi đây, một thiên đường ẩm thực luôn chờ đón bạn.
Nhà cổ Đức An
Một ngôi nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc của người Việt, ngôi nhà có tuổi đời đứng thứ hai với 180 năm đã được xây dựng và vẫn duy trì được những nét cổ xưa đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngôi nhà đánh dấu lại quá trình hoạt động cách mạng ở Hội An do người chiến sĩ yêu nước Cao Hồng Lãnh đứng đầu.

Hiện nay ngôi nhà vẫn còn những chiếc đèn dầu, chiếc giá để bút rất đỗi bình dị cùng với đó là một không gian tĩnh lặng và những nét cổ kính mà bất kì du khách nào đặt chân đến đây đều không thể quên được.
Bãi biển Cửa Đại
Nằm cách Hội An 5km về phía Đông, đây là một trong những bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á với những cồn cát trắng kéo dài cùng với màu năng xanh biếc và nắng vàng đã làm tôn thêm vẻ đẹp của biển Cửa Đại.
Cửa Đại nổi tiếng với những khu nghỉ dưỡng cao cấp, bao quanh đó là những khóm hoa rực rỡ thơm ngát và đầy màu sắc.

Vào sáng sớm, từ những khu nhà nghỉ, bạn có thể mở cửa sổ để đón ánh nắng sớm và để tận hưởng được hết quang cảnh của bãi biển vào sớm bình minh. Buổi chiều ở Cửa Đại là lúc mà bạn có thể ngâm mình trong nước biển mát lạnh ở nơi đây, hay cũng có thể nằm trên những bãi cát dài để nghe tiếng sóng vỗ vào bờ và lắng nghe tiếng gió biển trong sự bình yên của cuộc sống.
Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đã chuẩn bị được một danh sách những địa điểm thú vị để trải nghiệm tại khu phố cổ có truyền thống lâu đời này, Begodi xin chúc bạn có một chuyến đi nhớ đời, vui vả và an toàn.
Để biết thêm chi tiết, các bạn hãy qua begodi.com để được tư vấn và đặt phòng trực tuyến nhé !
Nguồn: vnnews.begodi.com
The post Những địa điểm du lịch tại Hội An appeared first on Đặt phòng trực tuyến | đặt phòng khách sạn| Begodi.