Nợ quá hạn và các nhóm nợ trên CIC
Khả năng chi trả khi đi vay ngân hàng là những vấn đề mà người đi vay đôi khi không lường trước được. Bởi khi vay ngân hàng thì ngoài tiền gốc vay, bạn còn phải trả lãi. Vì vậy, tình trạng nợ quá hạn sẽ thường xảy ra nếu bạn không biết tính toán hợp lí.
Nợ quá hạn là gì?
Nợ quá hạn là khoản nợ mà người đi vay (có thể cá nhân hoặc doanh nghiệp) không thể trả cả gốc và lãi vào ngày đến hạn đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Khách hàng nếu rơi vào nhóm nợ quá hạn (theo phân loại trên CIC) sẽ gặp khó khăn khi vay nợ ở ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác.
Phân loại các nhóm nợ trên hệ thống CIC
Trên hệ thống CIC – Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia Việt Nam, khách hàng đi vay sẽ được xếp vào 1 trong 5 nhóm nợ sau đây:
Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm:
- Các khoản nợ có khả năng thu hồi cả gốc và lãi đúng thời hạn.
- Các khoản nợ trong hạn;
- Các khoản nợ vượt quá thời gian trả nợ dưới 10 ngày. Khách hàng quá hạn từ 1 đến 10 ngày sẽ phải trả thêm lãi phạt quá hạn 150%
Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm:
- Các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến dưới 30 ngày;
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.
Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm:
- Các khoản nợ quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày;
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu;
- Các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.
Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ mất vốn) bao gồm:
- Các khoản nợ quá thời gian từ 90 ngày đến dưới 180 ngày;
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu;
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:
- Các khoản nợ quá hạn từ 180 ngày trở lên;
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.
Khi khách hàng nợ quá hạn rơi vào nhóm 3, 4, 5 cũng sẽ bị xếp vào nhóm nợ xấu. Khách hàng khi đã thuộc nhóm nợ xấu (nợ khó đòi) sẽ rất khó để đi vay ở ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác trong thời gian ít nhất từ 3 đến 5 năm kể từ thời điểm bạn trả nợ đầy đủ (gốc + lãi).

Cách xóa nợ xấu trên hệ thống CIC
Bước 1: Kiểm tra thông tin tình trạng nhóm nợ của bạn trên hệ thống CIC
Bước 2: Làm việc với các ngân hàng bạn đã vay. Để tổng hợp và thanh toán toàn bộ các khoản nợ (gốc + lãi). Bạn cần lưu trữ lại chứng từ ghi rõ thời gian thanh toán.
Bước 3: Thực hiện kiểm tra thông tin tín dụng trên CIC một lần nữa sau 1 tháng kể từ ngày thanh toán.
- Đối với nợ xấu nhóm 3,4,5, hệ thống CIC sẽ lưu giữ trong vòng 5 năm gần nhất tính tới thời điểm bạn tra thông tin.
- Đối với nợ quá hạn nhóm 2 được lưu giữ trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm bạn tra thông tin.
Lời khuyên để tránh rơi vào nhóm nợ quá hạn
- Tự đánh giá khả năng và phương án trả nợ thiết thực trước khi vay ngân hàng. Tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nếu chẳng may có biến cố bất ngờ xảy ra.
- Khi nhận được vốn vay, bạn nên lên kế hoạch sử dụng vốn vay hiệu quả đúng
- Nâng cao ý thức trong vấn đề sử dụng vốn vay và thời gian trả nợ.
- Lưu ý ngày thanh toán trên hợp đồng.
Trong trường hợp bạn không may mất nguồn thu nhập và không thể trả nợ đúng như cam kết thì hãy liên hệ với nhân viên ngân hàng để thảo luận và tìm ra phương án trả nợ tối ưu nhất. Đừng chạy trốn ngân hàng bằng cách chấm dứt liên lạc. Vì ngân hàng có thể kiện bạn ra tòa để giải quyết khoản vay.
Bài tham khảo: Nợ quá hạn là gì? Phân loại các nhóm nợ trên CIC
Bài viết Nợ quá hạn và các nhóm nợ trên CIC đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Vay mượn tiền tiêu dùng.